"Vua mắc ca Tây Nguyên" với thương hiệu HQO

Không tự nhận là “Vua mắc ca Tây Nguyên”, chỉ là bà con gọi như vậy. Một phần bởi quy mô trồng riêng một cá nhân chưa ai đạt đến ở Tây Nguyên; mặt khác và ý nghĩa hơn ở lượng cây giống tặng bà con lớn hơn cả số mình có.

Ở Tây Nguyên, TS. Nguyễn Đức Hưởng đang đến đích của một ý tưởng nhiều năm trước: sáng tạo giống mắc ca mới, biến phức tạp thành đơn giản để năng suất và chất lượng, gắn với thương hiệu HQO…

 

 

Bảy năm trước, khi còn là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, TS. Nguyễn Đức Hưởng khởi xướng đề án đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. “Không ai làm thì tôi cũng tự trồng”, ông Nguyễn Đức Hưởng khẳng định trước nhiều hoài nghi.

Một thời gian đủ dài trôi qua, đủ để một cây mắc ca trưởng thành. Triển khai muộn hơn dự kiến, song ông Nguyễn Đức Hưởng đang chuẩn bị đón mùa thu hoạch đầu tiên và đặc biệt của riêng mình vào năm tới. Đặc biệt bởi với nguồn giống do chính ông sáng tạo.

Tuyên bố “tôi cũng tự trồng” bẵng đi qua bảy năm. Nói và làm, từ ý tưởng và tâm huyết đến hiện thực. Người thân vẫn nói rằng cây mắc ca đã ngấm vào máu ông Hưởng. Bởi họ chứng kiến ông đi khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu. Hàng chục lần lẳng lặng vào Khe Sanh (Quảng Trị) leo rừng lội suối, cả khi một mình lịm đi trong đêm vì bạo bệnh, chỉ để tìm được “mái nhà” thực ưng ý cho dự án mắc ca của mình.
 
Và rồi Tây Nguyên là điểm trở về, nơi ông Hưởng khởi nghiệp và gắn bó từ hàng chục năm trước. 65ha mắc ca tại Gia Lai với hơn 26.000 cây đã bước sang tuổi thứ 4. Những triền mắc ca trải dài cả cây số đang trở thành một hình mẫu tại Việt Nam, qua đúc kết các mô hình khảo sát trực tiếp trên thế giới. Đặc biệt hơn, mô hình này gắn với ý tưởng đã thành hiện thực: phát triển một loại giống mới mang thương hiệu HQO (đã đăng ký bản quyền giống mới, HQO có ý nghĩa: Hưởng - QN1 - OC). HQO cũng chính là tên công ty mắc ca do TS. Nguyễn Đức Hưởng làm chủ, có trụ sở tại Pleiku (Gia Lai).
 
Cây mắc ca đã du nhập vào Việt Nam hơn 20 năm, song còn nhiều mới mẻ. Hàng trăm cuộc khảo sát thực tế mà ông Hưởng tổ chức trong nước và ở nước ngoài cho thấy những băn khoăn. Mỗi loại giống có ưu nhược điểm khác nhau, thành phẩm khác nhau và giá bán cao thấp từng loại. Vậy tại sao không tạo được một giống tối ưu và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam?
 
Biến cái phức tạp thành đơn giản. Ông Hưởng triển khai ý tưởng kết hợp ưu điểm các loại giống có lợi thế. Giống mắc ca OC nổi bật tại Việt Nam, cũng như tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc), khi sống khỏe ngay cả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chống chịu tốt với mưa bão. OC cho sản lượng vượt trội, thậm chí tại Sơn La có vườn ghi nhận đạt tới trên 150kg quả/cây, trong khi các loại giống khác chỉ khoảng 35-45kg/cây trưởng thành. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân loại này chỉ đạt khoảng 32%, vỏ dày; đặc biệt hạt méo nên hạn chế trong chế biến và xuất khẩu; trái chín không rụng và phải thu hoạch thủ công làm tăng chi phí…
 
Trong khi đó giống QN1 có ưu điểm hạt tròn đều, tỷ lệ nhân lên tới 37% cho tỷ lệ thu hồi cao khi chế biến và được giá khi xuất khẩu; khi trái chín tự rụng và thuận lợi cho thu hoạch. Song giống này lại hạn chế bởi thân cành yếu, sản lượng thấp, chỉ khoảng 35kg quả/cây trưởng thành.
 
Ý tưởng kết hợp ưu điểm của giống OC với QN1 được ông Hưởng thực hiện. Dùng hạt OC ươm làm gốc, ghép cành QN1 để tạo chất lượng hạt. Giống HQO ra đời, tên viết tắt của chữ “Hưởng” và hai loại giống, thêm một loại giống mắc ca mới của Việt Nam hứa hẹn năng suất và chất lượng, đã được đăng ký bản quyền.
 
65ha với 25.000 cây mang thương hiệu HQO đến nay cũng đã hiện thực, qua 4 năm tuổi đã cho sức trưởng thành vững và tốt như của giống OC, nhân hạt mùa quả bói vừa qua đạt chất lượng như dự tính của giống QN1. Và năm tới, hiệu quả thực sự của thương hiệu HQO sẽ được chứng thực bằng mùa thu hoạch đầu tiên.

Trong chuyến thăm vườn cuối năm 2021, đứng giữa rừng mắc ca bạt ngàn tại Gia Lai không khỏi ngạc nhiên: chỉ thấy toàn… bò. Ông Hưởng nói vui: “Mô hình tôi làm chỉ có 4 công nhân chăm sóc cho cả 65ha này. Các hồ tưới tiêu dẫn nước tới từng gốc. Việc làm cỏ và bón phân thì đã có “máy bò” xử lý rồi”.

Ở Tây Nguyên, cây mắc ca được trồng xen khá phổ biến với cà phê. Mắc ca thuộc nhóm rễ chùm, không cạnh tranh và lấn át mạnh khi trồng xen, trong khi cây cao tán rộng thích hợp với độ che phủ và giữ ẩm, đặc biệt những mùa khô hạn. Việc trồng xen theo đó tăng hiệu quả sản xuất cho bà con.
 
Ở mô hình của ông Hưởng, mắc ca được “trồng xen”… với bò. Với một dự án mới, khi bắt đầu trồng chưa có thu nhập ngay, phải đầu tư thêm chi phí phân bón, nhân công trồng và chăm sóc… Cân đối này không quá phức tạp, mà được đơn giản hóa với mô hình “máy bò” mà ông Hưởng gọi vui.
 
65ha mắc ca trở thành một trang trại lý tưởng để nuôi bò. Đàn bò thuận hòa suốt những năm qua và cây mắc ca chẳng hề hấn gì. Ngược lại, “máy bò” vừa sản xuất nguồn phân bón hữu cơ, vừa dọn cỏ, vừa tạo thu nhập cho người lao động. Đàn bò được giao cho công nhân chăm sóc, với chính sách đàn cứ đẻ thêm 2 con thì họ được sở hữu 1 con. Một con bò trưởng thành có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng. Dự kiến trong 65ha này sẽ phát triển đàn bò 5.000 con những năm tới.
 
“Với chính sách này, người lao động vừa tự làm giàu, vừa làm mắc ca bền vững. Chỉ qua vài năm họ đã giàu thực, với đàn bò liên tục sinh sôi. Quan điểm của tôi là người lao động trước hết phải giàu đã rồi mới tính đến thành công của dự án”, ông Hưởng nêu quan điểm, mà cũng không lạ bởi 10 năm ở LienVietPostBank ông từng theo đuổi chính sách “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” cho người lao động.

 
 
Phát triển mắc ca không đơn lẻ bởi những mô hình đan xen như vậy. Nguồn thu trực tiếp cũng rất tiềm năng. Giá bán tại vườn hiện đạt từ 60.000 - 80.000 đồng/kg quả tươi; có thể tạo thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Theo đó, ông Nguyễn Đức Hưởng tính toán, mỗi hộ dân chỉ cần có khoảng 10 cây mắc ca trưởng thành là đã giúp cải thiện thu nhập, hướng tới làm giàu. Đây cũng là lý do Công ty HQO - đơn vị trực tiếp quản lý vườn mắc ca của ông Hưởng - tặng hàng chục nghìn cây giống HQO để bà con cùng làm.
 
Ông Hưởng cho biết, sau thành công từ ý tưởng đến thực tiễn với giống HQO và 65ha đầu tiên, từ năm 2022 sẽ triển khai kế hoạch phát triển 200ha mắc ca tại Kon Tum. Khi các vườn cây trưởng thành, cũng như các hộ dân có thu hoạch, ông sẽ xây dựng nhà máy chế biến, tổ chức bao tiêu và cùng làm với bà con chứ không để họ đơn lẻ, hay tự mình làm đơn lẻ.
 
Nếu như trên thế giới đã phổ biến các sản phẩm mắc ca chất lượng cao và chế biến sâu, thì tại Việt Nam cũng đã bắt đầu làm quen trong tiêu dùng như thực phẩm, sữa, kem, dầu ăn, mỹ phẩm, dầu gội và sữa tắm… Những sản phẩm cao cấp thì chủ yếu chỉ giới thượng lưu ở Ả Rập, Dubai… mới có điều kiện sử dụng thường ngày, bởi giá đắt đỏ.
 
 
“Nếu chỉ xuất khẩu thô thì khá hạn chế, bỏ phí nguồn lực và quyền lợi người tiêu dùng. Việt Nam cũng cần chế biến sâu các sản phẩm mắc ca để có giá trị gia tăng cao. Công ty HQO sẽ tham gia thúc đẩy quá trình này, Việt Nam sẽ là đất nước trồng và có sản phẩm mắc ca nhiều nhất thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có quyền dùng sản phẩm mắc ca nội địa giá hợp lý, chất lượng cao không kém gì sản phẩm dành cho các tỷ phú Dubai, Ả Rập…”, ông Hưởng nói khi thực tế phát triển mắc ca tại Việt Nam đang cần tiếp tục một hành trình thực sự chuẩn hóa và chuyên sâu, mà loại giống sáng tạo mang thương hiệu HQO là một điển hình giá trị góp phần thúc đẩy quá trình đó.
 
 
Nguồn: Bizlive - Nhịp sống doanh nghiệp (01/02/2022)
 
 
Lượt đọc: 857

Tin tức tiếp theo

Việt Nam sở hữu loại hạt đắt nhất thế giới mà toàn cầu đang ‘thèm khát’: Trên 3 năm mới được thu hoạch, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều săn đón
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, chế biến mắc ca
Đưa mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững
“Canh bạc”… mắc ca
Mắc ca Việt Nam có thể "đi sau, về trước" để đứng đầu