Từ chuyến thị sát mắc ca của nguyên Chủ tịch nước
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mới đây, có chuyến tham quan trồng mắc ca tại Lâm Đồng. Nguyên Chủ tịch nước đi thăm các cơ sở ươm giống, nhà máy chế biến, thị sát các vườn mắc ca của nông dân, động viên bà con phát triển sản xuất...
Hộ ông Trịnh Xuân Danh ở tổ 1, thôn Tân Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, người đang thực hiện trồng xen mắc ca trong vườn cà phê. Mắc ca trồng xen của gia đình ông đang bước vào tuổi thứ tư, bắt đầu cho quả.
Báo cáo với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Danh cho biết: Gia đình có gần 2ha cà phê trồng thuần. Mấy năm trước, sau khi tìm hiểu mô hình trồng xen mắc ca, ông quyết định làm theo. Cứ 3 hàng cà phê ông lại xen 1 hàng mắc ca, tổng cộng trồng được 250 cây mắc ca trong khoảng một nửa vườn cà phê. Mắc ca trồng là giống ghép, năm ngoái khi cây mới 3 năm tuổi đã ra bói. Năm nay ông hy vọng sẽ có sản phẩm thu hoạch.
Nguyên Chủ tịch nước thăm một cơ sở chế biến mắc ca ở Đức Trọng, Lâm Đồng
Nguyên Chủ tịch nước hỏi:
- Mắc ca trồng xen cà phê có ảnh hưởng năng suất cà phê không? Chi phí tăng thêm nhiều không?
- Báo cáo bác, không ảnh hưởng, ông Danh trả lời. Chi phí tăng thêm cũng không đáng kể.
Rồi ông giải thích: Cà phê là cây ưa bóng, vì vậy trồng mắc ca xen cà phê sẽ làm lợi cho cà phê, chính nó sẽ là cây che bóng. Cụ thể năng suất cà phê trước và sau khi trồng xen mắc ca không thay đổi, đạt trung bình 3 tấn/ha. Trồng xen chỉ mất tiền giống ban đầu (70 nghìn đồng/cây) cùng một ít phân bón gốc cho mắc ca khi vào vụ. Chi phí tưới thì vẫn thế, khi tưới cho cà phê cũng là tưới cho mắc ca.
Cùng đi với đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước, GS Hoàng Hòe (Hiệp hội Mắc ca Việt Nam), bổ sung thêm: Mắc ca là cây chịu hạn tốt, việc trồng xen trong vườn cà phê không những làm cây che bóng còn làm tơi xốp đất, giữ được nước. Đây là một trong những mô hình bền vững cho Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu, mực nước ngầm tụt giảm. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, bổ sung thêm: Báo cáo nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang, mô hình trồng xen mắc ca như thế này tỉnh đã có kế hoạch mở rộng ra 4 huyện/22 xã. Dự kiến đến 2020 Lâm Đồng sẽ có 4.000ha mắc ca trồng xen.
Chủ hộ Trịnh Xuân Danh tự tin báo cáo tiếp với nguyên Chủ tịch nước: Thưa bác, bác hỏi về chi phí trồng xen, cháu thấy phần tăng chưa tới 10% so trồng cà phê thuần. Trong khi phần thu tăng thêm, cây mắc ca từ năm thứ 7 trở đi sẽ đạt 2,5 tấn quả/ha, nếu giá thị trường có xuống còn 100 ngàn đồng/kg đi chăng nữa cũng được thêm 250 triệu đồng/ha, cao hơn cả thu từ cà phê (130 - 140 triệu/ha) đấy ạ.
Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Dương Công Minh, quan sát kỹ vườn mắc ca trồng xen của hộ ông Danh, bày tỏ ý kiến: Việc trồng xen 250 cây mắc ca/ha cà phê như hộ dân đây là quá dày, sau này mắc ca lớn sẽ rậm rịt. Nên hạ tỷ lệ xuống, 150 cây mắc ca xen 1 ha cà phê là vừa phải, đảm bảo tối ưu về năng suất cho cả hai cây. Qua thực tế này, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ sớm phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca cả trồng xen và trồng thuần cho các thành viên Hiệp hội và người dân để đảm bảo phát triển bền vững hơn.
Vườn mắc ca trồng thuần của ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) là mô hình khép kín từ trồng đến chế biến kết hợp tổ chức tham quan du lịch khá hiệu quả.
Nguyên Chủ tịch nước thăm vườn mắc ca của ông Nguyễn Đức Ba, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương
Ông Jolyon Burnett - Tổng Giám đốc Hiệp hội Mắc ca Úc (AMS) đánh giá, một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của thị trường mắc ca Việt Nam là mô hình cho vay tài trợ vốn. Các khoản vay được thiết kế khác biệt, kỳ trả nợ vay trùng khớp với kỳ thu hoạch mắc ca trong tương lai. Có thể nói đây là mô hình cho vay tốt nhất hiện được sử dụng trên toàn thế giới. Mô hình này cấp vốn cho người dân muốn đầu tư vào cây mắc ca, đồng thời cho phép họ giải quyết khó khăn về chi phí cao và không có thu nhập trong thời gian đầu. |
Đón nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bác Ba lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ. Bác cho biết, vườn chỉ hơn nửa hecta, với 180 cây mắc ca trên dưới 10 năm tuổi, những năm gần đây, năm nào cũng cho thu trên dưới 1 tỷ đồng. Nguyên Chủ tịch nước rất vui với niềm vui đó của nông dân, và ông không khỏi ngạc nhiên khi gia đình bác Ba lại có thu nhập cao như vậy. Bác Ba cho biết: Toàn bộ vườn chỉ chừng ấy cây mắc ca, nhưng nói thật, năm nào cũng cho 3 tấn quả, có năm được 4 tấn. Gia đình thu hoạch rồi tự chế biến lấy, bán cho khách du lịch. Giá bán mắc ca, quả nguyên vỏ, loại 1: 500 ngàn đồng/kg, loại 2: 350 ngàn đồng/kg; còn mắc ca bóc vỏ chỉ nguyên nhân giá 1,3 triệu đồng/kg. Khách du lịch đông, mối mua hàng nhiều, gia đình thu hơn tỷ đồng mỗi năm từ vườn mắc ca là vì thế.
Một điều bác Ba chưa kịp báo cáo với nguyên Chủ tịch nước, như tôi biết, là vườn mắc ca của bác còn cho thu nhập từ khách du lịch. Đó là vào mùa thu hoạch mắc ca, khách đến tham quan được bác đãi những quả mắc ca bùi ngậy, tất nhiên, tham quan thì phải trả tiền vé. Một khoản thu thêm không nhỏ.
Suốt chuyến đi, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn thể hiện sự hài lòng khi chứng kiến những người trồng, chế biến mắc ca ở Lâm Đồng đều có thu nhập cao và ổn định. Nhu cầu tiêu thụ lớn, mắc ca trồng ra không đủ bán nên mở rộng diện tích là điều cần làm dễ nhận ra, người dân mong muốn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các Bộ, ngành vào cuộc mạnh hơn, sát thực tế hơn, giúp đỡ họ nhiều hơn.
Đón nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm nhà máy chế biến mắc ca, anh Đỗ Đình Dũng, GĐ Cty TNHH Việt Xanh (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng), báo cáo vẻ đầy tiếc nuối: Công suất chế biến của nhà máy 300 tấn mắc ca/năm nhưng hiện thời chỉ gom đủ nguyên liệu 100 tấn/năm. Các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu… liên tục gọi đặt hàng mà không có bán. Nhà máy vận hành chỉ được nửa năm là hết nguyên liệu. Tiếc lắm!
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan vườn giống mắc ca của Công ty TNHH Him Lam Mắc ca
Chia sẻ cùng khát vọng của nông dân, của doanh nghiệp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Phát triển mắc ca thế nào, hãy lắng nghe câu trả lời của nông dân. Nhìn nụ cười của họ là biết. Thực tế rất rõ. Vì vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & PTNT cần vào cuộc, có tổng kết hướng dẫn nông dân để họ có thêm một cây trồng mới, thêm một sản phẩm mới góp phần phát triển kinh tế.
Các nhà quản lý, nhà khoa học, hiệp hội, người nông dân, hãy cứ cụ thể trên đồng ruộng, cùng trao đổi để có tổng kết, nhân rộng mô hình tiêu biểu cùng biện pháp kỹ thuật. Đa số bà con còn nghèo, vì vậy ngân hàng phải vào cuộc đồng hành. Với cây mắc ca, tôi nghe có nguồn tín dụng lớn cho cây trồng này, như Lâm Đồng là 10.000 tỷ. Đó là tín hiệu rất tốt, mở ra nhiều triển vọng…
+ Báo cáo với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn sang, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết: Công ty TNHH Him Lam Mắc ca thuộc Cty Cổ phần Him Lam đã xây dựng vườn ươm giống mắc ca (huyện Đức Trọng) vào loại hiện đại nhất thế giới. Công ty cam kết cung cấp giống mắc ca chất lượng tốt đến tay nông dân với mức giá thấp hơn giá thị trường, đồng thời phía ngân hàng (LienVietPostBank) cũng cam kết cho dân vay vốn mua giống với mức lãi suất hợp lý. Về lâu dài, chủ trương của Him Lam, đầu tư toàn bộ giống cho nông dân khi họ tham gia Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, sản xuất theo quy trình kỹ thuật chuẩn, sản phẩm sẽ được công ty thu mua toàn bộ theo giá thị trường. Lúc đó người trồng mắc ca gần như chỉ việc bỏ công trồng, chăm sóc. + TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), LienVietPostBank cam kết tham gia vào Gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2016 LienVietPostBank đã cam kết dành 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca tại Lâm Đồng theo mô hình ngân hàng + Hiệp hội Mắc ca Việt Nam + doanh nghiệp (Công ty TNHH Him Lam Mắc ca). + Cty TNHH MTV Him Lam Mắc ca đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng vườn ươm, xuống giống được 920.000 cây, sẽ xuất ra 530.000 cây ghép đạt chuẩn cho người dân trồng trong năm 2017. Đây là vườn ươm quy mô lớn và hiện đại bậc nhất với đầy đủ hệ thống nhà lưới tưới phun tự động đủ khả năng cung cấp 1 triệu cây giống mắc ca/năm. Tổng đầu tư đến thời điểm hiện tại khoảng 30 tỷ đồng. Để chuẩn bị mắt ghép, công ty cũng đã mua hẳn 1.500 cây mắc ca đầu dòng chất lượng cao với các giống được kiểm định thực tế: QN1, 246, 816, 849, 344... Năm 2016 Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã ký biên bản thỏa thuận tài trợ 10 tỷ đồng an sinh xã hội cho tỉnh Lâm Đồng để xây dựng hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới cho xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, phát triển mắc ca tại xã để trở thành một mô hình xã điểm về trồng mắc ca, du lịch xanh mắc ca và hỗ trợ 60.000 cây giống mắc ca đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cho nông dân Lâm Đồng. |
Theo nongnghiep.vn (ngày 15/03/2017)