Tìm hướng đi bền vững cho cây mắc ca
Nếu không giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, giống, chế biến sâu thì khó có thể khai thác tối đa những ưu đãi thiên thời, địa lợi để phát triển bền vững cây mắc ca. Đó là đánh giá của các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa tổ chức ngày 6/5, tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cái “được” lớn nhất là niềm tin
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập tháng 4/2016 theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hiệp hội có vai trò tiên phong trong việc đánh thức tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. |
Tại Hội nghị, các đại biểu nêu rõ, hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua, cà phê, hạt tiêu vì “khát nước” đã chết cháy hàng loạt. Để tìm được loại cây trồng mới thay thế, vừa chịu được cái khắc nghiệt của biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng như cây mắc ca quả không dễ dàng gì. Giáo sư Hoàng Hòe chia sẻ, “để có được cây trồng mới như mắc ca, chúng ta phải mất 20 năm nằm gai nếm mật, có lúc tưởng chừng như đứt gánh. Bù lại, sự cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng với sự quan tâm, chia sẻ của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là hàng nghìn hộ dân đã làm giàu và trở nên thịnh vượng nhờ cây mắc ca.
Nhiều năm chinh phục “nữ hoàng” mắc ca, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cho biết, cái được lớn nhất hiện nay chính là cây mắc ca đã tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cấp cao và người dân. “Tôi đã đi tìm hiểu hàng nghìn hộ trồng mắc ca hiện đã cho thu hoạch thì điều rất đáng tự hào là không có hộ nào than vãn phải mang mắc ca đi tìm bán, thậm chí có nhiều hộ được thương lái tìm mua khi cây mới đang tuổi thiếu niên. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng sản phẩm mắc ca đang rất lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng nêu rõ.
Nhờ sớm nắm bắt được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên đưa cây mắc ca vào trồng thí điểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm cho biết: Mắc ca là cây trồng mới, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tại Lâm Đồng. Nhờ sớm đưa mắc ca vào trồng, đến nay, Lâm Đồng đã có nhiều hộ dân thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để không lãng phí “của trời”, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy hoạch phát triển mắc ca trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 hướng đến 2030. Theo đó đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng mắc ca xen canh với cà phê lên khoảng 4.000ha và đến năm 2030, sẽ tăng diện tích này lên khoảng 15.000ha, diện tích thu hoạch đạt 4.000ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn hạt/năm.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm vườn mắc ca của một hộ nông dân ở Lâm Đồng (Ảnh: Phương Anh)
Phải giải quyết tốt vấn đề quy hoạch
Chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết, 4 yếu tố quan trọng làm nên một vụ mùa bội thu là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng với cây mắc ca thì yếu tố giống mang tính quyết định. Cùng quan điểm này, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Him Lam Phan Hưng Long nhấn mạnh: Cây giống là then chốt, quyết định hiệu quả của mắc ca. Cụ thể, theo ông Long, nếu trồng bằng giống thực sinh thì khả năng thích ứng và năng suất của mắc ca sẽ kém hẳn so với giống trồng bằng phương pháp ghép và chiết. Vì vậy muốn trồng mắc ca bắt buộc phải dùng bằng giống ghép và chiết. Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống cây mắc ca bảo đảm chất lượng hiện cũng đang là nỗi lo của các địa phương cũng như người trồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả vùng Tây Nguyên có khoảng gần 1.000 cơ sở bán giống mắc ca, trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng đã có khoảng hơn 600 cơ sở. Đáng lo ngại là, chỉ có khoảng 40% tổng số cơ sở này có giấy phép kinh doanh, còn lại là “treo đầu dê bán thịt chó”, thậm chí bán cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng khuyến cáo người dân, để lựa chọn được cây giống mắc ca bảo đảm chất lượng, bà con cần tìm đến những cơ sở cung ứng cây giống uy tín, đã được cấp phép. Tuyệt đối không mua cây giống từ các cơ sở không có tên tuổi.
Phó Chủ tịch Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm cho biết, Lâm Đồng đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca, hàng tháng đều họp để đánh giá tình hình triển khai và kịp thời bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo ông Liêm, mặc dù Lâm Đồng có nhiều yếu tố rất thuận lợi để phát triển cây mắc ca nhưng giống cây trồng vẫn hết sức quan trọng. Ông Liêm đề nghị, Công ty cổ phần Him Lam đẩy nhanh các thủ tục để công nhận vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn và vườn cây giống đầu dòng làm cơ sở để cung cấp giống cho người dân; phát triển hệ thống thu mua, sơ chế và hoàn chỉnh hồ sơ để khởi công xây dựng nhà máy chế biến mắc ca...
Ở góc độ tổng thể, Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, triển vọng phát triển cây mắc ca là rất tốt. Bên cạnh thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, lực lượng lao động thì mắc ca đang có thị trường rộng lớn, cung không đủ cầu. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, để có thể tận dụng tối đa những ưu thế này, đưa cây mắc ca phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân và các địa phương thì phải giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hỗ trợ nông dân trong chọn giống, kỹ thuật trồng...
Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng: Với những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao như Tây Nguyên, Tây Bắc, nếu phát triển đúng hướng, mắc ca sẽ là giải pháp thoát nghèo cho người dân. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước hết là, quy hoạch vùng trồng mắc ca. Hiện nay, thông tin về quy hoạch mắc ca còn đang rất khác nhau. Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy hoạch trồng mắc ca đến năm 2030 là khoảng 34.000 nghìn hecta. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và khảo sát thực tế thì khả năng trồng cây mắc ca có thể lên đến 200 - 400 nghìn hecta. Ngay tại một số địa bàn vùng Tây Nguyên thì khả năng quy hoạch trồng mắc ca cũng đã lên đến hơn 10 nghìn hecta. Giải quyết tốt công tác quy hoạch vùng trồng mắc ca sẽ là cơ sở để tính toán việc đầu tư cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Hai là, hỗ trợ thực hiện liên kết 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Trong doanh nghiệp thì đã có sự tham gia của ngân hàng. Đây là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy phát triển cây mắc ca. Ba là, phải có chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân trực tiếp trồng mắc ca về kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề quan trọng là chọn được giống mắc ca bảo đảm chất lượng. Thực tế đã có một số hộ do không có thông tin đầy đủ về cây mắc ca cũng như cách chọn cây giống nên đã mua và đưa vào trồng một số giống không đạt chất lượng, hiệu quả thấp. Mặc dù cây mắc ca rất “dễ nuôi” nhưng người dân phải có kiến thức tối thiểu để chăm sóc như kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Dương Công Minh: Từ năm 2016 tới nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đã có những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Cụ thể, Công ty Cổ phần Him Lam đã cam kết đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca, tập trung phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại Lâm Đồng. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã triển khai 2 gói tín dụng ưu đãi với tổng vốn cam kết là 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca, các tổ chức – doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca khu vực Tây Nguyên, trong đó 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng và 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca và cây công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông. |
Nguồn: daibieunhandan.vn (07/05/2017)