Đồi mắc-ca 3 năm tuổi tại huyện huyện Điện Biên (Điện Biên)
Bài 1: Mắc-ca - cây đa mục đích
Tại các tỉnh Tây Bắc, mắc-ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích vừa mang lại giá trị kinh tế vừa bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Những mô hình hiệu quả
Có mặt tại một số vườn cây mắc-ca tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), chúng tôi được đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lò Văn Thịnh cho biết, cùng với hơn 50 ha xoài liên kết sản xuất với doanh nghiệp, địa phương đang triển khai trồng 21 ha cây mắc-ca do Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu đầu tư theo công thức 9-1( doanh nghiệp đầu tư hưởng 90%, hộ dân góp đất hưởng 10% giá trị) tại các bản Chang và Lao Chen. Đến nay, hơn 50% diện tích cây mắc-ca có độ tuổi từ 5-6 năm đã cho thu hoạch. Với mức giá từ 50-60.000/kg quả tươi, mỗi ha cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/năm. Cùng với đó, người dân được doanh nghiệp trả lương từ 4-6 triệu đồng/tháng khi tham gia vào quá trình sản xuất.
Chị Bạc Thị Lún (bản Lao Chen) chia sẻ, 2 vợ chồng chị là công nhân của Công ty từ những ngày đầu phát triển cây mắc-ca tại địa phương, mặc dù không góp đất liên kết trồng cây nhưng với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng đã góp phần đưa cuộc sống của gia đình từ một hộ nghèo đã có của ăn, của để và một phần tích lũy.
Anh Lò Văn Thuấn ở bản Chang hiện là công nhân phụ trách vườn cây giống của doanh nghiệp tại xã Lê Lợi. Anh cho biết, anh và vợ cùng làm việc trong công ty. Bản thân có mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng, vợ anh làm thời vụ hưởng thu nhập từ 150-180.000 đồng/ngày. Gia đình có vài ha trồng cây mắc-ca đã đến kỳ thu hoạch. Với tổng thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm gia đình anh đã nhanh chóng thoát nghèo và trở thành hộ gia đình có thu nhập tốt của xã. Vợ chồng anh không những có tiền để nuôi 2 con đi học, xây dựng nhà cửa khang tranh và đã sắm sửa nhiều trang thiết bị có giá trị phục vụ cuộc sống gia đình.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Nguyễn Thành Đồng, cùng với việc phát triển nhiều loại cây lâm nghiệp đa mục đích có giá trị khác, địa phương xác định cây mắc-ca là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc mà còn trở thành cây làm giàu của nhiều hộ gia đình. Chính quyền địa phương đang tập trung hỗ trợ nhân dân và các doanh nghiệp phát triển hiệu quả các dự án trồng cây mắc-ca. Hiện nay, một số xã, bản của huyện, nhiều hộ gia đình đã thu hoạch quả mắc-ca từ 2-5 vụ. Với giá bán từ 50-60.000 đồng/kg quả tươi, nhiều hộ có diện tích trồng từ 5-10 ha có thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng mỗi năm. Mắc-ca thực sự đã mang lại sự thay đổi lớn về đời sống kinh tế, xã hội cho bà con các dân tộc nơi đây.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đã có hơn 270 ha cây mắc-ca đã cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 0,5 đến 1,5 tấn/ha với giá bán quả tươi từ 50-60.000 đồng/kg. Với năng suất như trên, bình quân 1 ha cây mắc-ca (tùy thuộc vào tuổi cây và phương thức trồng) sau khi trừ chi phí sẽ cho người trồng thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm.
Tại Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi có 4/5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 528 tỷ đồng năm 2021, hiện có hơn 200 ha trồng mắc-ca trong đó gần 30 ha đã cho thu hoạch. Công ty cổ phần Liên Việt Điện Biên đang triển khai dự án trồng mắc-ca công nghệ cao tại đây. Đến nay, đã đo đạc để đưa vào trồng được 240 ha. Dự kiến, đến năm 2025, toàn thành phố có khoảng 800 ha mắc-ca. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tuấn Anh cho biết, địa phương đã quy hoạch 1.800 ha, đến nay đã triển khai hàng trăm ha đất để trồng mắc-ca.
Cùng với các dự án đầu tư của doanh nghiệp, thành phố sẽ phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp và tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của sản phẩm mắc-ca. Hiện nay, tại xã Tà Lèng có nhiều hộ tham gia trồng và làm giàu từ mắc-ca. Đến hộ gia đình chị Đào Thị Lan ở xã Tà Lèng đúng thời điểm một số diện tích cây mắc-ca cho thu hoạch, chị cho biết, gia đình chị trồng hơn 10 ha. Đến nay, gia đình đã thu hoạch mắc-ca vào vụ thứ 5, năm 2021 đạt hơn 20 tấn quả tươi, những tháng đầu năm nay gia đình cũng đã thu hoạch gần 20 tấn quả. Gia đình đã đầu tư máy sấy khô, các thiết bị chế biến quả để đóng gói thành phẩm bán ra thị trường. Với mức giá từ 60-70.000 đồng/kg quả tươi và 300-400.000 đồng/kg quả sấy khô, hằng năm gia đình chị có thu nhập từ 300-400 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhiều năm trở lại đây, mặc dù dịch bệnh nhưng việc tiêu thụ quả mắc-ca của gia đình chị vẫn được mùa, được giá. Cùng với việc sản xuất thành phẩm quả mắc-ca, hiện nay gia đình chị còn tham gia sản xuất giống cây mắc-ca theo tiêu chuẩn. Với mức bán từ 50-60.000 đồng/cây, mỗi năm gia đình chị có doanh thu khoảng 200 triệu đồng từ bán cây giống.
Các cán bộ Phòng nông nghiệp thành phố Điện Biên Phủ cho biết thêm, hiện trên địa bàn có Công ty cổ phần mắc-ca Điện Biên đang hoạt động hiệu quả với sự tham gia liên kết của hàng trăm hộ dân. Ngoài gia đình chị Lan, hiện nay đã có rất nhiều hộ gia đình ở các phường, xã: Tà Lèng, Noong Bua, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Minh tham gia vào các dự án trồng mắc-ca của địa phương. Các hộ gia đình trồng cây mắc-ca đều có thu nhập tốt, kinh tế ổn định, không chỉ xóa đói, giảm nghèo, một số gia đình đã làm giàu từ cây trồng này.
Thời gian qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả hoặc không thuận lợi nguồn nước tưới sang các loại cây trồng khác, trong đó mắc-ca được xác định là cây đa mục đích cần tập trung đầu tư, sản xuất. Tại những khu vực chuyển đổi đã xuất hiện những mô hình mang lại thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống.
Các dự án mắc-ca đã và đang triển khai tại vùng Tây Bắc được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp quan tâm, ủng hộ, người dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Theo Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, qua khảo sát, tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu ha đất có rừng và còn khoảng 1 triệu ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc-ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa hưởng ứng kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai trồng mắc-ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đánh giá, mắc-ca là cây có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cây mắc-ca theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc trồng xen. Sau 5-6 năm trồng, mắc-ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi ước đạt khoảng 8 tấn/ha/năm. Mắc-ca là cây lâm nghiệp đa giá trị, có vòng đời khai thác lâu dài nên có thể phát triển thành cây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, chống sự xói mòn của đất và phát triển hiệu quả một số loại cây khác dưới tán rừng.
Tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án với hơn 53.000 ha cây mắc-ca. Đến nay, diện diện tích trồng cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.500 ha, trong đó có khoảng 3.000 ha trồng thuần và gần 600 ha trồng xen với cây trồng khác. Diện tích đã trồng mắc-ca tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Phần lớn diện tích cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh do các doanh nghiệp đầu tư (gần 3.000 ha), diện tích còn lại do các địa phương trồng xen canh với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khác, trồng thử nghiệm và một số nơi do người dân trồng tự phát. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đánh giá, tỉnh đã ban hành các kế hoạch về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó xác định cây mắc-ca là cây đa mục đích, phù hợp với điều kiện tự nhiên, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Tại Sơn La, tỉnh đã xây dựng các đề án chiến lược phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên sườn đất dốc, trong đó cũng đã xác định tiềm năng cây mắc-ca và có kế hoạch đầu tư phát triển các dự án loại cây trồng này theo quy hoạch bền vững. Riêng tại huyện Mai Sơn, cây mắc-ca được trồng trên địa bàn huyện từ năm 2012, đến nay đã có hơn 120 ha. Các diện tích cho thu hoạch với sản lượng trung bình đạt từ 5-7 tấn quả tươi/ha/năm, giá bán trung bình từ 40-60.000 đồng/kg, bước đầu cho thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Lai Châu là một trong những tỉnh khu vực Tây Bắc có diện tích trồng cây mắc-ca lớn. Cây mắc-ca trồng tại Lai Châu từ năm 2011, đến nay toàn tỉnh đã trồng hơn 5.400 ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ. Trong đó, trồng thuần 3.500 ha và trồng xen canh 1.880 ha.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Nguyễn Trọng Lịch, năm 2022 trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng mới khoảng 1.000 ha cây mắc-ca tại các huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc-ca theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô đạt khoảng 35.000 ha vào năm 2030 và khoảng 80.000 ha vào năm 2050. Theo đánh giá, với lợi thế sẵn có của mình, các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang tiến hành thực hiện các giải pháp chuyển đổi cây trồng, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Được xác định là cây đa mục đích, phù hợp phát triển theo quy hoạch vùng, cây mắc-ca được các cấp, các ngành và nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững đã và đang khẳng định tính thiết thực, đúng đắn của loại cây trồng này, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực.
Nguồn: nhandan.vn (12/04/2022)