Cây macca có mở ra triển vọng mới giúp nông dân khởi nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo SGGP với ông Jolyon Burnett, Tổng Giám đốc Hiệp hội Macca Australia (AMS) nhân chuyến thăm và khảo sát những vườn trồng macca Việt Nam mới đây.
PHÓNG VIÊN: Macca là loại cây trồng mới ở Việt Nam, trong khi Australia đã phát triển mạnh mẽ, tạo thu nhập cao cho nông dân. Ông có thể chia sẻ câu chuyện về ngành công nghiệp macca của Australia?
Ông JOLYON BURNETT: Cho đến nay có thể khẳng định ngành công nghiệp macca của Australia phát triển khá ổn định, chúng tôi là quốc gia sản xuất nhân macca lớn nhất trên thế giới. Hiện 70% sản phẩm của chúng tôi được xuất khẩu tới 40 quốc gia, trong đó châu Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) chiếm 37% thị phần xuất khẩu, sau đó là châu Âu và Hoa Kỳ.
Về hợp tác quốc tế, Australia mở rộng quan hệ với các quốc gia trồng macca khác thông qua việc cung cấp hạt giống và các loại giống tốt, cũng như hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn.
Một số công ty Australia cũng đã thiết lập quan hệ song phương với những đối tác nước ngoài, như hợp tác triển khai công đoạn chế biến và marketing tại Trung Quốc, Việt Nam và Nam Phi. Australia cũng rất nỗ lực trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc để mở ra những thị trường mới cho macca tại các quốc gia mới bắt đầu nhập khẩu macca.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với ngành công nghiệp macca của Australia là các trang trại macca đã trưởng thành không còn cho năng suất cao nên nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu đang bị thiếu. Vì lẽ đó chúng tôi đi đến những quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc kêu gọi trồng thêm macca. Và tôi hy vọng việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ làm cho ngành macca phát triển tốt, đồng thời đáp ứng đủ nguồn cung.
Dư địa cho hạt macca còn rất lớn vì macca chỉ đang chiếm khoảng 2% thị phần của hạt quả cứng trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng macca lên tới 130.000ha (tính tới tháng 6-2016) và vẫn tiếp tục phát triển thêm. Vì vậy, nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc có nhiều tiềm năng để trở thành quốc gia sản xuất macca lớn nhất thế giới trong tương lai.
Sau 1 tuần khảo sát, ông thấy triển vọng phát triển cây macca ở Việt Nam ra sao. Nông dân có thể yên tâm khởi nghiệp với loại cây trồng mới này? Kinh nghiệm trồng macca của nông dân Australia để mang lại năng suất cao nhất?
Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Lần này sau 1 tuần tìm hiểu ở những vườn trồng macca của nông dân, tôi nhận thấy mô hình này rất tốt để phát triển. Tôi rất ấn tượng với mô hình trồng xen canh cây macca với cà phê, tiêu và cả cây mì. Mô hình này giống như ở Kenya và một phần Nam Phi.
Họ cũng làm như vậy và cho kết quả rất tốt. Còn về kinh nghiệm của nông dân Australia thật khó để chia sẻ vì 2 mô hình rất khác nhau, chúng tôi đã công nghiệp hóa, sử dụng máy móc là chính nên chỉ 2 nông dân cũng có thể trồng và thu hoạch khoảng 5.000 cây macca.
Còn ở Việt Nam chủ yếu là vườn nhỏ và còn làm thủ công. Để có năng suất và chất lượng tốt nhất, theo tôi có 2 yếu tố rất quan trọng là phải chọn giống tốt và quy trình thu gom khi hạt rụng xuống phải thu lượm thật nhanh để bảo đảm chất lượng hạt đưa vào chế biến.
Về giống cây hiện nay Việt Nam cũng đã có 10 giống, tôi được biết những giống này được Công ty Vinamacca triển khai tại vườn ươm huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, và Công ty TNHH MTV Him Lam Macca triển khai vườn ươm tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện 2 công ty này, đang nhân giống cung cấp cho vùng Tây nguyên và các tỉnh lân cận. Có điều quan trọng nữa trong việc trồng cây macca tôi muốn chia sẻ là ngoài thổ nhưỡng thích hợp cần được chăm bón đúng lúc. Thường sau khi trồng khoảng 3-4 năm, là giai đoạn rất quan trọng người nông dân phải bón phân, tạo tán chứ không nên bỏ bê, dù lúc này chưa có hạt để thu hoạch.
Thật khó cho nông dân vì chưa có nguồn thu nhưng lại phải bỏ vốn để bón phân, chăm sóc. Nhưng theo chia sẻ từ LienVietPostBank, họ đang có chương trình cho vay ân hạn 5 năm không thu lãi suất và vốn để người nông dân an tâm trồng, sau 5 năm mới bắt đầu thu lại, đây là mô hình rất tốt.
Được biết, Hiệp hội Macca Việt Nam và AMS đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp macca của 2 quốc gia Australia - Việt Nam. Ông có thể nói về những chương trình hỗ trợ của AMS cho Việt Nam?
Điều quan trọng đầu tiên AMS có thể làm cho Việt Nam là giúp Hiệp hội Macca Việt Nam, đặc biệt là nông dân trồng macca cảm thấy tự tin trên con đường phát triển ngành công nghiệp này. Chúng tôi đã chứng minh thị trường tiêu thụ rộng lớn, là cơ hội phát triển ngành macca Việt Nam trong tương lai gần.
Ngoài ra các công ty chế biến macca của Australia sẽ giúp nông dân và các công ty Việt Nam như Vinamacca, Him Lam Macca… sản xuất ra những sản phẩm từ hạt macca có chất lượng tốt nhất và có giá thành hợp lý nhất. Đồng thời hai bên sẽ cùng nhau giữ giá các sản phẩm từ hạt macca ổn định để tạo một con đường phát triển lâu dài cho hạt macca.
Phía AMS sẽ giúp Việt Nam xây dựng vườn ươm tốt nhất, cách thức quản lý vườn ươm và hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến cho Việt Nam. Về phía Việt Nam, Hiệp hội Macca Việt Nam sẽ hỗ trợ cung cấp cho chúng tôi thông tin về diện tích và sản lượng macca hàng năm để cùng nhau dự báo thị trường để ngành macca mỗi nước phát triển đúng hướng và bền vững.
Tại Australia Chính phủ có chương trình hỗ trợ người nông dân trồng cây macca không. Theo ông Việt Nam nên có chương trình hỗ trợ như nào để người nông dân có điều kiện phát triển tốt nhất giống cây này?
Hiện nay Chính phủ Australia không có chính sách hỗ trợ, nhưng bù lại nguồn lợi nhuận thu được từ cây macca lại khá tốt nên người nông dân tự mình làm nhiều việc, như quảng bá cây macca từ chính nguồn tiền của họ. Nhưng với Việt Nam, ngành công nghiệp macca còn mới, vườn trồng của nông dân còn nhỏ, nên tôi nghĩ Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ để người nông dân yên tâm phát triển trong vài năm đầu tiên cho đến khi họ có thu nhập từ cây macca.
Lúc đó chắc chắn họ sẽ tin tưởng hơn vào giống cây này. Nhưng chính sách nào cũng vậy, theo tôi tính ổn định trong thời gian dài rất quan trọng, bởi nếu chính sách cứ thay đổi liên tục người nông dân không thể an tâm tái cơ cấu cây trồng trên mảnh đất của mình.
Xin cảm ơn ông!
Hawaii - Hoa Kỳ: Hầu hết các giống macca được trồng trên thế giới đều được phát triển tại Hawaii theo những quy trình nghiên cứu đã bắt đầu từ những năm 1890. Đồng thời Hawaii cũng tận dụng vị thế của một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng để đẩy mạnh việc quảng bá macca. Giá thu mua tại vườn của hạt macca luôn tăng và đang ở mức 3 USD/kg. Macca Hawaii chủ yếu được tiêu thụ tại Hoa Kỳ với mức tiêu thụ 50-60% sản lượng sản xuất. Thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản với mức tiêu thụ chiếm khoảng 15% sản lượng và các thị trường còn lại hầu hết thuộc khu vực châu Á bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Trung Quốc: Hiện là bạn hàng nhập khẩu macca chính của nhiều quốc gia sản xuất macca trên thế giới, đặc biệt là từ Australia và Nam Phi. Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu các loại hạt của Trung Quốc đã tăng lên mức 40.000 tấn. Giá macca tại Trung Quốc ở mức cao 6-7 USD/kg một phần do nhu cầu cao trên thị trường và sự ưa chuộng những yếu tố mới lạ đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Ngành công nghiệp macca tại Trung Quốc đang gặp nhiều thuận lợi nhờ nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, đồng thời thu hút được nhiêu nhà đầu tư. Dự tính vào năm 2022, diện tích trồng macca sẽ tăng thêm 200.000 ha và có khả năng trở thành nhà sản xuất macca hàng đầu thế giới. |