Nghịch cảnh phát triển mắc ca Việt Nam

"Sau khi thí điểm và cho kết quả tốt thì cần nhanh chóng tạo ra cơ chế lôi kéo nhà doanh nghiệp và nhà nông đầu tư vốn phát triển cây mắc ca. Bởi nếu không sẽ mất dần cơ hội!". TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

 

{keywords}

Được biết Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang tập trung đầu tư phát triển mắc ca diện tích khá lớn ở Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung. Mắc ca là cây trồng mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, vậy việc đầu tư trồng mắc ca của liên danh cụ thể ra sao: trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, trồng như thế nào, tiêu thụ sản phẩm ra sao, thưa ông?

Đề án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên của Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực chất là đề án cho vay vốn phát triển mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm tiền vay của Công ty CP Him Lam. Mục đích đầu tiên là đồng hành và giúp bà con nông dân Tây Nguyên làm giàu trên mảnh đất màu mỡ và quý hiếm phù hợp với cây mắc ca. Đề án được hình thành sau hơn hai năm nghiên cứu khảo sát cùng các nhà khoa học gạo cội Việt Nam và các chuyên gia Úc đã cho thấy hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện đề án, Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã đăng ký xin các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 1.000 ha, chủ yếu là ươm giống và hình thành các vườn cây bố mẹ lâu dài là những cây đầu dòng. Nội dung đề án hình thành theo chuỗi giá trị và được hiểu đơn giản như sau: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho người dân vay vốn, Công ty Him Lam cùng với một số cơ sở sản xuất giống uy tín khác là đơn vị cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm, và phối hợp đơn vị bảo hiểm (hoặc công ty bảo hiểm do Him Lam là cổ đông chủ chốt) cung cấp bảo hiểm tiền vay 100%. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thì người dân không mất vốn, bởi đã có công ty bảo hiểm và Him Lam gánh chịu rồi. Trong trường hợp địa phương chưa khuyến khích nông dân trồng mắc ca, trong khi việc trồng thí điểm đã chứng tỏ hiệu quả cao, thì Công ty CP Him Lam và các cổ đông sẽ trực tiếp đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ khép kín, để tạo việc làm và thu nhập cho bà con nông dân, vì nếu không họ sẽ bị mất cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất của mình... Him Lam triển khai đề án này không vì mục đích lợi nhuận đơn thuần, vì nếu có lợi nhuận sẽ tạo quỹ bảo hiểm vốn vay cho người trồng mắc ca vay vốn và bổ sung quỹ an sinh xã hội cho người nghèo Tây Nguyên và cả nước. Quyền và lợi Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang xúc tiến cùng cơ quan chức năng thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên.

Ông có thể nói rõ hơn quyền lợi của những người tham gia Hiệp hội Mắc ca?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên - Đại tướng Trần Đại Quang, nên các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành thành lập Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên. Sau đó, nếu Bộ NN & PTNT ủng hộ thì thành lập tiếp Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Nếu chưa được thì chỉ dừng ở Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên, phục vụ các thành viên tại khu vực này. Nếu chưa có Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, chính sách cho vay và cơ chế mua bảo hiểm cho nông dân không áp dụng được ở các khu vực khác. Hiệp hội mở ra là để quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho “Mắc ca Tây Nguyên”, điều mà nông sản Việt Nam còn đang yếu và làm giảm đi sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại nội địa và trên thế giới.

Nói cách khác, Hiệp hội sẽ có các điều kiện để chuẩn hóa toàn bộ quy trình phát triển mắc ca, tránh manh mún tự phát dễ dẫn tới rủi ro, và qua đó để đảm bảo an toàn và lợi ích các hộ dân tham gia. Quyền lợi của các thành viên tham gia Hiệp hội trước hết là được vay vốn có bảo hiểm từ thiện, nhưng phải sử dụng đúng loại giống quy định, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc phát triển cây mắc ca do Hiệp hội hướng dẫn, sau đó họ sẽ được bao tiêu sản phẩm. Hiệp hội mắc ca Tây Nguyên sẽ thành lập Viện nghiên cứu phát triển mắc ca bằng vốn xã hội hóa, cổ đông chính là Công ty CP Him Lam, có các chuyên gia trong nước và nước ngoài làm tư vấn. Quan điểm đầu tư và hoạt động từ thiện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt từng công bố với báo giới sẽ dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mắc ca trong 5-10 năm tới vì lợi ích nông dân, doanh nghiệp và xã hội, trong đó có cả hoạt động từ thiện về cây mắc ca.

Vậy hoạt động từ thiện ở đây là gì?

Hoạt động từ thiện như trên tôi đã nói, riêng thời gian từ 5 đến 10 năm tới, LienVietPostBank cam kết dành 20.000 tỷ đồng cho vay phát triển một diện tích khá lớn cây mắc ca. Đó không phải là điều ảo tưởng, bởi theo tôi biết, từ năm 2012, Viện Điều tra Quy hoạch rừng theo yêu cầu của Bộ NN & PTNT đã tiến hành điều tra nghiên cứu. Sau 2 năm triển khai nghiêm túc và bài bản, Viện Điều tra Quy hoạch rừng đã kết luận diện tích rất thích hợp và thích hợp trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1 triệu ha. Đồng thời, Viện cũng đã đề nghị quy hoạch phát triển 200.000 ha diện tích đất ở Tây Nguyên để trồng mắc ca. Theo tôi, nếu có sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp vào cuộc thì chắc chắn Việt Nam hoàn toàn trồng được một diện tích mắc ca khá lớn, như chỉ cần trồng xen 30% mắc ca vào diện tích cà phê hiện có (650.000 ha cà phê) chưa kể trồng thuần chúng ta đã thấy được tiềm năng lớn mức nào.Đặc biệt mắc ca sẽ “cứu” được cà phê vì thực tế đã thử nghiệm ở Đăk Lăk và Lâm Đồng cho thấy, cây cà phê rất hợp với cây mắc ca vì mắc ca tạo bóng mát và làm tơi xốp đất. Bên cạnh đó, về giá trị kinh tế thì mắc ca cũng hơn hẳn những cây bóng mát đang trồng xen canh cà phê hiện nay như cây muồng. Đặc biệt, mắc ca còn làm đa dạng hóa cây trồng, nhằm tránh rủi ro thị trường như hiện tượng đang thừa cung ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chúng ta đều thấy, hiện nay cả Tây Nguyên người dân và doanh nghiệp đang gồng mình chống hạn, vật lộn với diện tích cà phê già cỗi tăng lên nhanh chóng, nhưng các nguồn lực vào cuộc hỗ trợ thì hạn chế.

Là doanh nghiệp, chúng tôi có quan điểm là không chờ đợi, không chờ được cứu, mà chủ động tự cứu, tự tái đầu tư, tái cơ cấu và dĩ nhiên là đã tính toán và trù tính những rủi ro. Nếu người nông dân ở Tây Nguyên cũng có được các nguồn lực chủ động, thay vì chờ đợi được cứu, chờ đợi tái canh hay tái cơ cấu, thì sẽ đỡ phải vật lộn với thực tế khó khăn hiện nay. Từ đó nâng cao tính chủ động cho người nông dân. Với riêng mắc ca, dự báo thị trường cung đang thiếu so với cầu toàn thế giới đến 20 năm nữa thì mỗi gia đình nông dân nghèo Tây Nguyên chỉ cần có 50 cây mắc ca là họ sẽ thoát nghèo… Còn về chính sách hỗ trợ và từ thiện thì thế này. Có người nói với tôi, đẩy mạnh phát triển mắc ca là để kinh doanh giống, lãi cao lắm.Tôi và anh Dương Công Minh (Chủ tịch Cty CP Him Lam) có quan điểm rằng, chúng tôi chỉ là một đầu mối trong rất nhiều đơn vị làm khâu này, mà mục đích là để làm sao chuẩn hóa và chặt chẽ tiêu chuẩn giống ngay từ đầu để tránh rủi ro về sau cho bà con.

Cũng lưu ý là, cây mắc ca nếu giống đầu vào không tốt phải sau 3 năm mới thực sự nhận ra rủi ro, đến khi đó mới chặt bỏ thì tốn kém nhiều thời gian và công của. Vì vậy yếu tố tiên quyết là phải chuẩn hóa giống đầu vào ngay từ đầu. Còn nếu có lợi nhuận cao từ làm giống như một số ý kiến, chúng tôi sẽ hỗ trợ luôn lợi nhuận đó cho người dân ở khâu giống và bảo hiểm, lãi suất vay vốn, làm từ thiện. Và dù kể cả không có lợi nhuận cao chúng tôi cũng vẫn làm như vậy. Điều đó vẫn đang là ý kiến và quan điểm.Còn trước mắt, trong thời gian ngắn nữa, chúng tôi sẽ xây tặng xong ở mỗi tỉnh, thành cả nước ít nhất một trường chuẩn quốc gia, góp phần vào sự nghiệp giáo dục của Việt Nam để cụ thể hóa quan điểm của mình. Thời gian qua và hiện nay, Công ty CP Him Lam đã âm thầm xây tặng trên 100 trường học ở các tỉnh, thành, nhưng ít người biết đến, vì Him Lam không bao giờ PR, quảng cáo.

"20 năm trồng thí điểm là quá dài rồi"

Như đã nói, mắc ca là cây trồng khá mới mẻ nên trong phát triển sẽ có khó khăn nhất định. Với danh nghĩa một nhà đầu tư, theo ông, nhà nước cần tác động thế nào để mắc ca trở thành một ngành hàng chiến lược, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân? Việc trồng thí điểm cây mắc ca ở Việt Nam đã 20 năm. Mặc dù nông dân đã trồng thành công trong khi thị trường cung không đủ cầu, vậy hãy nên quyết sớm việc trồng mắc ca trên diện rộng. Muốn tận dụng được lợi thế hiếm có về khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam phù hợp với sự phát triển của cây mắc ca thì cả 4 nhà phải vào cuộc (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp).Thực tế thời gian qua có một nghịch cảnh trong việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, đó là sau việc trồng thí điểm thì cơ quan chức năng nên nhanh chóng tạo ra cơ chế lôi kéo doanh nghiệp và nhà nông đầu tư vốn phát triển kinh tế, nhưng đối với cây mắc ca doanh nghiệp và nông dân lại đi tiên phong rồi chờ đợi cơ chế của nhà nước.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sớm về chính sách phát triển cây mắc ca nhưng đến nay nó vẫn chưa được công nhận là cây trồng chiến lược. Nhiều hộ nông dân đã trồng mắc ca 14 năm rồi nhưng chưa được hỗ trợ vốn trồng và hướng dẫn thị trường. Cũng may cây mắc ca tự tốt lên và tự có thị trường tiêu thụ vì cung không đủ cầu trên cả thế giới. Có dấu hiệu một số nơi vội vàng phát triển mắc ca khiến cơ quan quản lý lo ngại.

Còn ông, qua khảo sát thực tế thấy vấn đề này thế nào?

Qua buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát mới đây, tôi thấy những câu hỏi Bộ trưởng đặt ra và những lo lắng của nhà quản lý với thực tế tôi đã đi khảo sát thì hoàn toàn có lý, xuất phát từ kinh nghiệm và trách nhiệm cao. Đó là các vấn đề về quy hoạch một cách khoa học quỹ đất, vấn đề thị trường, vấn đề về giống; cụ thể trồng ở đâu? trồng bao nhiêu? trồng thế nào? bán cho ai? Được biết Bộ trưởng đã đưa các câu hỏi này ra cho các bộ phận chức năng sớm trả lời. Thực tế có những nơi như Đăk Lăk, Lâm Đồng, bà con vội vàng đi mua giống giá rẻ hoặc tự trồng bằng hạt không cắt ghép cây thì mặc dù cây rất tốt nhưng sẽ không có quả, phải chặt phá trong tương lai. Thế rồi loạn bán giống, giá sản phẩm thì ảo. Thực trạng này do chưa có đầu mối đứng ra tổ chức và giám sát các tiêu chuẩn, chưa có các doanh nghiệp và nhà đầu tư thực sự mạnh cùng vào cuộc chuẩn hóa. Thông tin hiện có nhiều ý kiến phản biện lo lắng cho cây mắc ca, đúng hơn là lo cho người nông dân, là đúng. Tuy nhiên, tôi thấy cần biến lo lắng thành hành động cụ thể, phù hợp với thực tế và tâm nguyện chính đáng của người dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về vốn, về thị trường và tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ đã bắt đầu có những doanh nghiệp xung phong “đứng mũi chịu sào”. Phát triển cây mắc ca tại Việt Nam một cách bài bản, có đầu tư xứng đáng, tổ chức khoa học và chặt chẽ, tạo dựng và phát triển thị trường với sự đồng hành và cam kết của các doanh nghiệp, như vậy tại sao lại không chứ?!

Xin cảm ơn ông buổi trò chuyện cởi mở này!

Nguồn: nongnghiep.vn (ngày 13/04/2015)

 

Lượt đọc: 246