Mắc ca và 3 câu hỏi từ Tây Nguyên: Tôi sẽ bán "hoàng hậu" cho ai?
Đó là câu hỏi thẳng thắn mà anh Phan Thế Cửu - nông dân thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, Đăk Lăk, và nhiều nông dân (ND) khác nêu ra sau khi nghe các chuyên gia phân tích về cơ hội, thách thức của ngành mắc ca (được ví là hoàng hậu của các loại hạt khô) tại các tỉnh Tây Nguyên.
Anh Cửu hiện đã trồng 100 cây mắc ca trồng xen cà phê trong vườn nhà. Dù tỏ ra rất “máu lửa” với giống cây trồng mới này, nhưng trong bối cảnh cây hồ tiêu đang được giá trở lại, vợ anh lại thiên về trồng tiêu. Gia đình anh đang phân thành 2 hướng chưa ngã ngũ.
Mắc ca Việt đang được giá hơn mắc ca Úc
Mắc ca đã cho thu hoạch ở huyện Krông Năng, Đăk Lăk (Ảnh: Hoàng Sơn)
Theo số liệu thống kê trong 5 năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu tới hơn 3.700 tấn hạt mắc ca mỗi năm (chiếm 12% thị phần nhập khẩu của thế giới), một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn còn chưa quen thuộc với mắc ca. Lý do nằm ở chỗ, các công ty nhập khẩu mắc ca (như DonaFood, Thaibinh Food...) chủ yếu chế biến rồi tái xuất khẩu sang các nước khác, chỉ một số ít bán tại thị trường Việt Nam. |
Trong các câu hỏi trực diện đặt ra với lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, anh Cửu nêu vấn đề quan trọng: “Tôi sẽ bán mắc ca ở đâu, bán cho ai?”.
Ý anh Cửu nêu ra không phải chỉ cho 100 cây mắc ca của gia đình mình, hay cả 7.000 cây mắc ca trồng xen của toàn huyện Krông Năng, mà là đầu ra bền vững cho ngành này, một khi ND Tây Nguyên đã trồng với quy mô lớn. Với người ND, cây gì cũng có thể trồng được, và trồng rất giỏi, vấn đề là bán được không.
Do vậy chỉ khi họ thấy “mặt mũi, hình hài” của một nhà máy chế biến mắc ca trên địa bàn cùng với doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hàng năm mới có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Ngay trong hội thảo đầu bờ, những ND tiên phong trồng loại cây này từ 5 năm trước đã đem đến một phần của câu trả lời. Ông Đinh Minh Đại và những người con của ông ở xã Ea Kar (Krông Năng) đã trồng xen mắc ca vào 12ha cà phê, năm nay ngoài hơn 20 cây mắc ca 5 năm tuổi đã cho thu hoạch vụ 2, hàng trăm cây khác trong tổng số gần 800 cây mắc ca đến tuổi thứ 4 đã cho quả bói. Tính đến cuối tháng 9.2016, ông thu hoạch được hơn 5 tấn hạt, thu về gần 500 triệu đồng. Không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, ông còn nhận làm đại lý thu mua hạt mắc ca của bà con ND trong vùng cho một công ty ở Lâm Đồng.
Tuy nhiên, không phải hạt mắc ca cũng bán được. Chỉ những hạt nguyên vỏ đạt đường kính tối thiểu 23mm, tỷ lệ nhân đạt tối thiểu 33% và phải thu hoạch khi trái đã chín nhưng không bị chảy dầu. Còn mắc ca thu hoạch non thì coi như bỏ đi. Anh Đỗ Đình Dũng – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ tổng hợp Việt Xanh ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (gọi tắt là Công ty Việt Xanh) kể về việc một cặp vợ chồng ở xã Phi Liêng, vượt 70km đường rừng chở ra 30kg hạt mắc ca bán cho cho công ty, nhưng do không được chăm sóc tốt, kích cỡ hạt mắc ca thu được quá nhỏ, anh không mua. Vợ chồng kia ứa nước mắt, nên cuối cùng anh đồng ý mua ủng hộ vì thương bà con, nhưng không thể chế biến thành hàng hóa tiêu chuẩn.
Giá hạt mắc ca nguyên vỏ cứng, độ ẩm ở mức 15-17% mà nông dân Tây Nguyên bán xô cho các công ty bình quân khoảng 90.000 đồng/kg, sau khi thải loại hạt xấu và chi phí sấy khô đến độ ẩm tiêu chuẩn 10%, mức giá này thậm chí còn “được giá” hơn so với giá mắc ca tại Úc (khoảng 5,2 AUD/kg, tương đương 88.000 đồng/kg). Đó là chưa tính với những hạt mắc ca có đường kính lớn hơn 27mm, hoặc loại hạt mắc ca có tỷ lệ nhân vượt xa trên 33%, sẽ có giá mua vào cao hơn, có thể đến 115.000 đồng/kg.
So sánh hạt mắc ca nguyên vỏ cứng của Việt Nam và mắc ca cùng loại nhập từ Úc, các chuyên gia và doanh nhân thấy rõ là hạt mắc ca trồng từ Tây Nguyên có nhân đẹp và cân đối, tỷ trọng của nhân cao, hương vị thơm ngon hơn so với mắc ca Úc. Đặc biệt, kích cỡ hạt nhân của hàng xuất xứ Việt Nam lớn hơn (bình quân 70-80 hạt/kg) so với mắc ca tiêu chuẩn xuất khẩu của Úc, Nam Phi (100-110 hạt/kg). Những điểm vượt trội này đã được chính GS Hoàng Hòe – chuyên gia hàng đầu về mắc ca với hơn 20 năm nghiên cứu mắc ca thế giới và trong nước – xác nhận. Đây chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của hạt mắc ca Việt Nam.
Về câu chuyện nhà máy chế biến, ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phân tích, để xây dựng được một nhà máy quy mô sản xuất hàng xuất khẩu như Úc, Nam Phi, thì ngoài các yếu tố thị trường, yêu cầu phải có vùng nguyên liệu cung cấp đủ cho công suất của nhà máy. Chẳng hạn, để xây một nhà máy ở Đăk Lăk, cần có vùng nguyên liệu tối thiểu 10.000ha mắc ca. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc quy mô, thời điểm và địa điểm nhà máy phù hợp với tốc độ phát triển của vùng nguyên liệu.
15 năm tới, “cung vẫn thấp hơn cầu”
Dây chuyền đóng gói mắc ca tại Công ty Việt Xanh (Ảnh: Hoàng Sơn)
Trong chuyến đi thực địa tại Lâm Đồng, phóng viên NTNN được anh Đỗ Đình Dũng – Giám đốc Công ty Việt Xanh mời tham quan xưởng chế biến mắc ca mà anh đã đầu tư với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Đây là nhà máy quy mô nhỏ, nhưng nhập khẩu dây chuyền công nghệ hiện đại, từ máy sấy, máy cắt vỏ, dây chuyền đóng gói, hệ thống kho lạnh... được đầu tư đồng bộ.
Năm 2015, xưởng của anh Dũng chế biến được gần 50 tấn, làm 7 tháng rồi chơi 5 tháng vì không có đủ nguyên liệu. Năm nay, công ty có kế hoạch chế biến đạt khoảng 80 tấn. Tại đây, anh Dũng đã cho chúng tôi được thưởng thức cả 2 loại hạt mắc ca chế biến từ hạt nhập từ Úc và hạt của Việt Nam để thấy sự vượt trội kha rõ ràng về chất lượng của mắc ca Việt Nam như đã phân tích ở trên.
Trước một doanh nghiệp đã có dây chuyền công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một câu hỏi quan trọng được nêu ra: Xu hướng thị trường xuất khẩu mắc ca có bền vững trong dài hạn hay chỉ là nhất thời? Để trả lời câu hỏi này, GS Hoàng Hòe đã chia sẻ về số liệu nghiên cứu, thống kê của Hiệp hội Mắc ca thế giới (INC).
Theo đó, thế giới hiện có khoảng 78 triệu người đang dùng mắc ca hằng ngày và con số này tiếp tục tăng. Tổng nguồn cung của thế giới hiện nay đạt gần 50.000 tấn nhân mắc ca/năm, tương đương khoảng 150.000 tấn hạt khô nguyên vỏ. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ mắc ca lớn nhất thế giới (hiện tiêu thụ 1.790 tấn/năm, chưa kể nhập khẩu hạt nguyên vỏ 40.000 tấn).
Số liệu phân tích của INC cũng cho thấy, sản lượng hạt mắc ca mới chỉ chiếm 1% thị phần của các loại hạt và tổng giá trị thương mại trên thế giới mới chỉ đạt 650 triệu USD/năm (chỉ bằng 10% của hạnh nhân, trong khi loại hạt này ngon hơn hạnh nhân và những loại hạt khô khác). INC dự báo, trong 10 năm tới, tổng nhu cầu mắc ca sẽ tăng lên 5 lần so với hiện nay (800.000 tấn). Trong khi đó, các nước trên thế giới (kể cả Việt Nam), cho đến năm 2030 sẽ chỉ mới sản xuất được 500.000 tấn. Nếu thực tế đúng như dự báo này, thị trường thế giới cho đến năm 2030, cung vẫn chưa đáp ứng cầu (thiếu khoảng 300.000 tấn hạt).
Nguồn: danviet.vn (02/12/2016)