Học xem người Úc trồng mắc ca
Cuối tháng 6/2015, chúng tôi có mặt tại xứ sở chuột túi Australia thực hiện chuyến đi khảo sát công phu thị trường Macadamias (xin gọi tắt là mắc ca) theo lời mời của Hiệp hội Mắc ca Úc. Tận đến cái nôi của mắc ca, xem công nghệ trồng và chế biến, mới hiểu vì sao loại quả “hoàng hậu hạt khô” nổi tiếng này lại được thế giới ưa chuộng.
TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Người Trung Quốc sang Úc mua cả vườn ươm
Bang Queensland, phía Bắc nước Úc. Đây là vùng có khí hậu tiểu ôn đới, được xem là miền đất hứa mà loại cây này kén sống. Thị trấn nhỏ Bundaberg cách thành phố Brisbane (thủ phủ của Queensland) khoảng 300 km về phía bắc. Sau 3 giờ chạy xe, chúng tôi có mặt tại Vườn ươm giống mắc ca Hinkler Park vốn do Chính quyền Queensland tài trợ. Dưới ánh nắng lấp lánh buổi sáng đầu đông Úc, cả khu vườn như hớn hở chào khách lạ.
Dẫn khách bước xen qua các rặng cây, chuyên gia lâm nghiệp - ông Martin Novak, người có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong giới nghiên cứu trồng mắc ca Úc (sau này ông Martin Novak đồng hành cùng cả đoàn trong suốt chuyến đi) giới thiệu: “Khu vườn hiện có 400 cây mắc ca đủ các loại giống từ các nơi được đưa về trồng thử. Cây lâu tuổi đời nhất ở đây chừng khoảng 40 năm; cây 20 năm tuổi khá nhiều; còn lại là cây bé và những giống mới liên tục được cập nhật”.
Theo ông Martin Novak, với việc đem đủ loại giống về đây trồng, Chính phủ Úc đầu tư để các nhà nghiên cứu thử nghiệm và liên tục tìm cho ra các loại giống thích hợp và tốt nhất của mắc ca cho vùng đất mỗi thời kỳ. “ Ở Úc, nông dân không bao giờ hái trái mắc ca xanh như Việt Nam hay Trung Quốc, chúng tôi chờ cho loại quả này tự rụng”- Ông Martin Novak cho biết.
Khu vườn thứ hai chúng tôi đến thăm quan có tên vườn ươm giống Gray thuộc địa phận bang New South Wale. Vừa tới nơi, mở ra trước tầm mắt cả đoàn là ngút ngàn màu xanh với những thân mắc ca ôm đẫy một vòng tay. Đón đoàn, ông Kim Berly Wilson, giám đốc công ty sở hữu khu vườn ươm chia sẻ: “Đây là khu vực được xem là nơi có loại hình đất, thời tiết lý tưởng trồng mắc ca nhất”.
Theo ông Kim Berly Wilson, công ty vốn dĩ có 5 khu vườn rộng 35 ha như thế này với tổng là 105 ha dùng để ươm giống và thu hoạch quả mắc ca đều đạt tuổi đời trên 40 năm. Riêng khu vườn này cho thu hoạch 140 tấn quả khô/năm; Hai 2 khu vườn rất tốt mới đây chúng tôi đã bán cho một chủ đầu tư là người Trung Quốc. Hiện họ đang tiếp tục đầu tư trồng mắc ca cả trên đất Trung Quốc và Australia, ông Kim cho hay.
Còn tại vườn ươm giống thuộc trung tâm nghiên cứu mắc ca lớn thuộc Bộ Nông nghiệp Úc, chúng tôi học được một điều thú vị: thay vì phun thuốc sâu trực tiếp cho mắc ca, nơi đây đã cho trồng một loại cây “dụ sâu” nhằm lôi kéo lũ sâu từ mắc ca chạy sang đám cây này.
Gặp “nữ hoàng” đỏng đảnh
Nhà máy chế biến SunCoast Gold Macadamias nằm tại Gympie- một thị trấn đang phát triển mạnh nhờ mỏ vàng ở vùng ven biển Sunshine của tiểu bang Queensland. Đây cũng được xem là khu vực trung tâm của cây mắc ca bản địa. Đón đoàn, ông Bright giám đốc điều hành nhà máy hơn 12 năm có lẻ nhiệt tình giới thiệu: “Nhà máy ra đời năm 1985, đến nay đã tròn 30 năm tuổi và là nhà máy chế biến cỡ lớn thứ 2 nước Úc. Vào năm 1993, SunCoast Gold Macadamias là công ty Mắc ca đầu tiên trên thế giới đưa vào hệ thống quản lý chất lượng được thế giới công nhận (hiện nay là AS/NZS ISO9002: 2008)”.
Được ông Bright nhiệt tình mời thưởng thức món mắc ca hạt sấy khô, cắn thử hạt mắc ca made in by Australia, ai cũng cảm nhận vị thơm béo ngậy lập tức lan toả nơi đầu lưỡi. Ông Bright cho biết: Thời điểm 1985, cả nước Úc có 14 nhà trồng (tương đương trang trại) mắc ca ở Úc với sản lượng cung cấp chừng 18.000 tấn/năm cho cả nước. Hiện tại, số nhà trồng tại Úc tăng lên khoảng 400 với số lượng trung bình khoảng 5.000 cây/trang trại tương đương gần 20.000 ha. Theo ông Bright, tính đến thời điểm này, cây mắc ca (được một người Úc tìm thấy lần đầu ở Nam Phi và đem về ươm) vào nước Úc tròn 45 năm tuổi nhưng không phát triển nhanh có phần lý do vì diện tích đất trồng được mắc ca cơ bản đã sử dụng. Với 9 nhà máy công suất 47.000 tấn, lượng mắc ca trong nước chỉ đáp ứng 70% công suất còn lại dùng nguyên liệu nhập khẩu.
Sát cánh vì lợi ích người trồng
Bữa làm việc tại Hiệp hội, ông Jolyon Burnett, Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Úc cho biết, tổng diện tích mắc ca của Úc hiện có khoảng trên 21 ngàn ha, chủ yếu trồng dọc theo chiều dài 520 km bờ biển phía đông - nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây này.... Toàn quốc có khoảng trên 6 triệu cây, tuổi đời từ 6 đến 25 năm trồng tại gần 800 trang trại tập trung chủ yếu ở Bundaberg, Gympie, Nambucca và Northern Rivers.
“Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu mắc ca Úc hiện chiếm 30% sản lượng và thị phần thế giới, mỗi năm thu về trên 200 triệu đô la Úc (tương đương khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng). Trong đó, lượng chế biến để tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 35%, còn lại chủ yếu xuất sang châu Á và Quốc gia khác là 40%, Mỹ 10% và châu Âu 14%....” - Ông Jolyon Burnett nhấn mạnh.
Hiệp hội giúp gì cho ngành công nghiệp chế biến mắc ca phát triển? Theo ông Jolyon Burnett, tổ chức này đã tác động để Chính phủ Úc định hướng người dân Úc tiêu thụ lượng quả hạt chính trong nước sản xuất cũng như để Chính phủ xúc tiến mở rộng thị trường đồng thời yêu cầu giữ mức thuế mắc ca ở mức thấp nhất có thể. “Với đóng góp của các chủ trang trại, nhà máy và một phần kinh phí hỗ trợ, chúng tôi đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu khoa học. Không chỉ về giống mà còn là công dụng, các sản phẩm làm từ mắc ca ứng dụng vào cuộc sống”- Ông Jolyon Burnett nhấn mạnh.
Theo tra cứu, mắc ca là một loại cây trồng cho quả hạch có lịch sử trẻ nhất trong các loại cây trồng mà con người biết đến. Tuy vậy, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, mắc ca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại quả hạch và được mệnh danh là “Hoàng hậu các loại hạt khô”. Mắc ca hiện chiếm 70% trong đơn kê về tim mạch của các bác sỹ Úc và hiện tại được nhiều người Úc sử dụng hàng ngày.
Là quốc gia có diện tích tự nhiên rộng tới gần 7,7 triệu km2 (gấp hơn 23 lần Việt Nam), dân số trên 23 triệu người lại chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nên diện tích vườn trồng mắc ca của nông dân Úc bình quân đạt 20ha/trang trại, cá biệt có trang trại rộng tới 600 ha. Theo Hiệp hội Mắc ca Úc, năm 2014 sản lượng nhân toàn quốc ước tính đạt trên 11.500 tấn phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, tạo ra nhiều mặt hàng giá trị gia tăng cao như đồ ăn tốt cho sức khỏe, mỹ phẩm, dầu ăn...Nguồn: tienphong.vn (01/01/2016)