Cẩn thận 'tiền mất tật mang' khi đổ xô trồng mắc ca
Có tình trạng nhiều công ty không đủ năng lực ký hợp đồng liên kết với người dân trồng mắc ca, sau đó lấy sổ đỏ người dân để thế chấp, vay vốn ngân hàng...
TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Ảnh: Hoàng Anh)
TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp phân tích và khuyến cáo phát triển cây mắc ca hiện nay.
Nguồn giống xô bồ, quản lý bất cập, lỏng lẻo
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, cây mắc ca ở Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (nay là Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội) từ năm 1994, sau đó được trồng khảo nghiệm tại một số nơi khác.
Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cũng chính là đơn vị đầu tiên nghiên cứu khảo nghiệm giống mắc ca trên cả nước. Kết quả cho thấy, tại 2 vùng Tây Nguyên và Tây Bắc có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca.
Ở Tây Nguyên, nhờ nghiên cứu, khảo nghiệm thành công các giống cây cây mắc ca tốt nên khi đưa vào trồng xen với cây cà phê đã thành công. Cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê vốn là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.
Từ kết quả trồng xen cây mắc ca với cà phê ở Tây Nguyên cho thấy, cây mắc ca không những đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân mà còn thu hút được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tổ chức sản xuất, chế biến, tăng giá trị sản phẩm.
Thời gian sau đó, cây mắc ca được Bộ NN-PTNT quy định là cây trồng lâm nghiệp chính và đa tác dụng. Cây có tán rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, sống lâu năm, tuổi thọ từ 50 - 60 năm, có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, được trồng với mục đích lấy quả là chính, kết hợp với phòng hộ và bảo vệ môi trường. Đất để trồng cây mắc ca là đất trồng cây lâu năm, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ, đất đồi núi chưa sử dụng...
Hiện nay, việc quản lý giống cây mắc ca vẫn còn nhiều bất cập, lỏng lẻo (Ảnh: Hoàng Anh)
Xét tổng thể, cây mắc ca ở Việt Nam chỉ mới được chú trọng phát triển trong khoảng 10 năm gần đây. Mặc dù đi sau nhiều nước có kinh nghiệm phát triển như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ…, tuy nhiên đây cũng là lợi thế để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm những thành công hay thất bại, từ đó đúc rút kinh nghiệm phát triển cây mắc ca bền vững.
Giống là khâu rất quan trọng đối với bất kỳ cây trồng nào, với cây mắc ca cũng vậy. Với kinh nghiệm khảo nghiệm hơn 20 năm qua, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp đã khảo nghiệm, đánh giá giống mắc ca trên nhiều vùng sinh thái, qua đó đã lựa chọn được tập đoàn giống phù hợp cho từng vùng.
"Chúng tôi khuyến cáo, với mỗi điều kiện lập địa cụ thể, trước khi trồng mắc ca diện tích rộng, cần phải khảo nghiệm hoặc trồng thử trên lập địa có tính đại diện và cần tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh thái, kỹ thuật trồng để tính toán đầu tư hợp lý", TS Nguyễn Đức Kiên khuyến cáo.
Cũng theo TS Kiên, để quản lý tốt về giống, các tổ chức, cá nhân nên mua giống cây mắc ca tại các cơ sở đã được cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp. Cần tìm hiểu đặc tính, yêu cầu sinh thái, khả năng thích nghi của cây mắc ca đối với khu vực dự kiến trồng. Bên cạnh đó, không thể hạ thấp vai trò của công tác thâm canh, cần coi cây mắc ca là cây ăn quả và chăm sóc như đối với cây ăn quả thì mới có thể đạt được năng suất cao cũng như chất lượng hạt tốt.
Cần coi mắc ca là cây ăn quả và chăm sóc như đối với cây ăn quả mới có thể đạt năng suất cao, chất lượng hạt tốt
(Ảnh: Hoàng Anh)
"Thực tế, công tác quản lý giống cây mắc ca trong thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước còn rất lỏng lẻo và bất cập. Nhiều cơ sở làm giống kém chất lượng vẫn tồn tại, thậm chỉ còn có tình trạng lừa đảo để bán giống thực sinh, giống ghép giả, giống kém chất lượng cho người trồng. Điều này đã gây nhiều hệ lụy rất nặng nề khiến năng suất, chất lượng sản phẩm mắc ca bị ảnh hưởng. Bài học thực tế một số mô hình trồng mắc ca từ giống không đảm bảo chất lượng đã chứng minh điều này". (TS Nguyễn Đức Kiên) |
Nguồn: nongnghiep.vn (30/07/2023)